Sở thông tin và truyền thông tỉnh Hà Giang

Chuyển đổi số từng bước hiện đại hóa ngành Điện

Công ty Điện lực Hà Giang (PC Hà Giang) trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), là đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi số để từng bước hiện đại hóa ngành Điện.

Trạm 220 kV Bắc Quang – một trong những trạm biến áp lớn, hiện đại nhất miền Bắc đang khẩn trương thi công.
Trạm 220 kV Bắc Quang – một trong những trạm biến áp lớn, hiện đại nhất miền Bắc đang khẩn trương thi công.

Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh; thực hiện Kế hoạch số 16-KH/UBND của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025; quan điểm chỉ đạo, chiến lược của EVNNPC và xuất phát từ thực tế, PC Hà Giang đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường chuyển đổi số với bản sắc của riêng mình. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả nổi bật, trên tất cả các lĩnh vực như: Quản lý, vận hành đường dây, trạm biến áp; đăng ký lắp đặt công tơ mới, ký kết hợp đồng mua bán điện; đo, đếm, đọc công tơ, thanh toán tiền điện... Đến nay, toàn Công ty có 145 máy cắt recloser, LBS, tủ RMU được kết nối tín hiệu về Trung tâm điều khiển xa, trong đó ghi nhận các thao tác từ xa tất cả đều hoạt động tốt.

Trong công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty luôn chú trọng khai thác, phát triển, tăng số lượng khách hàng trích nợ tự động từ tài khoản khách hàng. Hiện số khách hàng không sử dụng tiền mặt tăng 8,84% so với năm 2021, lũy kế 7 tháng năm 2022 đạt 57,59.%; tỷ lệ khách hàng thanh toán qua trích nợ tự động tăng 9%, lũy kế 7 tháng năm 2022 đạt 14,56 %.

Cùng với đó, cán bộ, công nhân viên toàn ngành còn tích cực tuyên truyền vận động khách hàng sử dụng mạng xã hội Zalo để nhận thông tin trong quá trình sử dụng điện, đã vận động được 12.538 khách hàng, có 47.690 khách hàng đăng ký nhận tin nhắn qua Zalo, đạt 24,6% trên tổng số khách hàng toàn Công ty.

Về công tác lắp đặt công tơ, 7 tháng của năm 2022 ký kết hợp đồng mua bán điện mới, lắp đặt mới 3.907 công tơ. Trong đó, 100% thực hiện bằng ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu khảo sát đến ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng. Toàn tỉnh đã có 179.557 khách hàng sử dụng điện, tương ứng với 180.265 công tơ đo đếm điện bán điện, tỷ lệ đo xa PCHG đã online là 144.775/150.227 công tơ, đạt 96.37%.

Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện kiểm tra thông số kỹ thuật trước khi đóng điện Trạm 110 kV Khu công nghiệp Bình Vàng.
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện kiểm tra thông số kỹ thuật trước khi đóng điện Trạm 110 kV Khu công nghiệp Bình Vàng.

Số máy biến áp đã đưa lên phần mềm 1.779, đạt tỉ lệ 100%. Trong đó máy biến áp sở hữu ngành Điện 1.565, sở hữu khách hàng 514, số máy biến áp cập nhật đủ thông tin 1.755, số đang vận hành trên lưới 1.674, số máy biến áp đã gắn điểm đo 1.293, số điểm đo khai báo 1.321, số điểm đo có dữ liệu 1220, tỉ lệ điểm đo có dữ liệu 97,88%.

Triển khai chương trình tự động hóa lưới điện trung áp DMS được giao danh mục 100%; chuẩn hóa nhóm thiết bị lưới điện 110kV trên PMIS 100%; cập nhập thông tin thiết bị trung thế 100%; Thông tin sự cố trung thế được nhập đầy đủ 100%; thực hiện chuẩn hóa dữ liệu PMIS và SCADA theo đơn vị 100%. 5/5 Trạm biến áp 110 kV đã thực hiện thao tác từ xa, không người trực; hệ thống điện thông minh, việc ứng dụng DMS đã được Công ty triển khai thử nghiệm thành công trên lưới điện trung áp với 4 mạch vòng tự động hóa…

Đối với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị, PC Hà Giang đã tích hợp thành công các giá trị biểu hiện của chuyển đổi số và hệ thống quy trình, quy định nội bộ trên cơ sở các cặp giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp; xây dựng thành công việc đánh giá khung năng lực về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên (CBCNV), người lao động trong toàn Công ty...

Đồng chí Hoàng Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang cho biết: Với phương châm đặt con người làm trung tâm, chuyển đổi từ nhận thức, Công ty đã đẩy mạnh phổ biến nhận thức về chuyển đổi số, về cách mạng công nghiệp 4.0 và nhận thức về an toàn thông tin đến các lãnh đạo và CBCNV thông qua đào tạo, huấn luyện về kỹ năng ứng dụng CNTT có kiểm tra, sát hạch song song với kỹ năng đảm bảo ATTT cho cán bộ CNTT. Để đạt được điều này, Công ty đã hoàn thành xây dựng khung năng lực CNTT trong kỷ nguyên số và tiếp tục tiến hành đào tạo và đánh giá chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT cơ bản theo Quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông cho CBCNV; đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kỹ năng cho cán bộ trong vị trí chức danh về CNTT đáp ứng tiêu chuẩn và nâng cao năng lực chuyên môn về an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT...

Tuy nhiên, bên cạnh đó PC Hà Giang cũng gặp không ít khó khăn trong chuyển đổi số, như thách thức đến từ công nghệ, nhân lực. Dung lượng máy chủ của Công ty chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trữ dữ liệu; nguồn vốn đầu tư cũng là rào cản lớn đối với công tác chuyển đổi số của Công ty, bởi PC Hà Giang là một đơn vị hạch toán phụ thuộc, chưa có cơ chế tự chủ về tài chính...

Đoàn kết, khát khao cống hiến của đội ngũ CBCNV, người lao động trong toàn Công ty Điện lực Hà Giang sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy thực hiện thành công chuyển đổi số tại PC Hà Giang.

(Nguồn: Báo Hà Giang; Bài, ảnh: Văn Nghị)