Sở thông tin và truyền thông tỉnh Hà Giang

Khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số

Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào chính quyền số gắn với cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh ta triển khai quyết liệt, tạo bước đột phá trong khâu ứng dụng các giải pháp mới, đồng bộ vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy CCHC, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.

Cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ.
Cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ.

Tiến bộ KH&CN đã tạo nên thay đổi cơ bản trong tư duy, đời sống, tập quán sản xuất của người dân. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện các mục tiêu đó, tỉnh ta xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể. Với sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, việc ứng dụng KH&CN vào chính quyền số gắn với CCHC đã tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động quản lý, giám sát và điều hành cơ quan, cải thiện chỉ số xếp hạng của tỉnh: Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2021 của tỉnh xếp thứ 28/63 tỉnh, thành, tăng 32 bậc so với năm 2012; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 45 bậc so với năm 2018; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021 xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2012...

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Thái Hòa, chia sẻ: Để cải thiện các chỉ số CCHC, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt từ khâu lập kế hoạch, bố trí nguồn lực đến khâu tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ ở các cấp, ngành. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng số và ứng dụng các giải pháp, phần mềm trong quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công… Đến nay, hạ tầng số cơ bản đáp ứng yêu cầu của chính quyền số, như: Hoàn thành mạng truyền số liệu dùng trong cơ quan Đảng, Nhà nước; hoàn thành đầu tư trục chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia; lắp đặt hoàn chỉnh hạ tầng máy móc, trang thiết bị Trung tâm điều hành đô thị thông minh kết nối hội nghị trực tuyến và các dịch vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động và Internet băng thông rộng đạt trên 98%; hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến của tỉnh được triển khai với 4 điểm cầu cấp tỉnh; tại mỗi huyện, thành phố có 3 điểm cầu và 100% các xã được triển khai; bảm bảo 100% các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh có thể tham gia họp trực tuyến quy mô 4 cấp T.Ư, tỉnh, huyện, xã.

Đối với việc ứng dụng các giải pháp, phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công phục vụ công tác CCHC, đã triển khai hoàn thành các CSDL chuyên ngành về giá, hệ thống quản lý lao động, việc làm; CSDL quan trắc khí tượng thủy văn; xây dựng CSDL xác thực người dùng; CSDL về y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, KHCN đã cơ bản được chuyển đổi số; hoàn thành việc ứng dụng Văn phòng điện tử tích hợp chữ ký số vào hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Từ mục tiêu năm 2020 hoàn thành cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, đến nay, tỉnh hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4; hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ trực tuyến của tỉnh với CSDL Quốc gia, hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc qua nền tảng chia sẻ dữ liệu của tỉnh.

Với địa bàn còn nhiều khó khăn như tỉnh ta, việc ứng dụng KH&CN vào xây dựng chính quyền số và CCHC còn gặp không ít trở ngại, nhất là công nghệ số chưa được ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực KT – XH; CSDL chuyên ngành cấp tỉnh còn thiếu sự gắn kết; nhiều quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động; mức sống người dân còn thấp nên tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế...

Tháo gỡ rào cản, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn, tỉnh ta tập trung tìm các giải pháp hữu hiệu để cụ thể hóa Quyết định số 569 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” sát với tình hình thực tế. Đồng thời, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân để đưa Nghị quyết số 14, ngày 11.8.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về CCHC; Nghị quyết số 18, ngày 29.10.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số vào cuộc sống; Kế hoạch số 16-KH/UBND, ngày 12.1.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và CCHC; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; từng bước đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Xây dựng, phát triển nền tảng số của tỉnh phục vụ chuyển đổi số, như: Nền tảng điện toán đám mây, tích hợp dữ liệu, dữ liệu mở, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), định danh và xác định điện tử, thương mại điện tử...

Với những giải pháp trọng tâm, trọng điểm, vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài, cùng với việc tập trung nghiên cứu, ứng dụng KHCN; xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển KT – XH đã, đang và sẽ tạo nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số, góp phần sớm đưa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về đích.

(Nguồn: Báo Hà Giang; Bài, ảnh: Kim Tiến)