Chuyển đổi số (CĐS) vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách lâu dài trong quá trình phát triển, ngành Y tế của tỉnh đang nỗ lực CĐS một cách toàn diện, tạo ra thay đổi tích cực trong quản trị, khám, chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe (SCSK) nhân dân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh kết nối hội chẩn với bệnh viện tuyến Trung ương. |
Tập trung phát triển nền tảng, nhân lực CĐS
CĐS Y tế là ứng dụng CNTT một cách tổng thể, toàn diện, chú trọng công nghệ số hiện đại để tạo thay đổi toàn bộ hoạt động y tế, CSSK. Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: Ngành Y tế, CSSK là một trong những ngành được ưu tiên CĐS hàng đầu. Căn cứ vào chỉ đạo của T.Ư, Bộ Y tế về công tác CĐS và triển khai Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025; ngành Y tế Hà Giang xác định CĐS là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tạo sức bật cho ngành.
Đồng chí Hoàng Quốc Cứ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng CSSK nhân dân, ứng dụng quản lý, quản trị y tế thông minh, chính xác, hiệu quả; ngành đã và đang tích cực triển khai các giải pháp CĐS. Trọng tâm là phát triển nền tảng, hạ tầng số y tế, dữ liệu và nguồn nhân lực phục vụ CĐS. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị KCB. Để CĐS hiệu quả, cùng yếu tố công nghệ, ngành xác định cần thay đổi nhận thức của lãnh đạo cơ quan quản lý, cơ sở y tế để tạo đồng thuận cao, nâng cao trách nhiệm trong triển khai CĐS. Đồng thời, bổ sung nội dung CĐS vào nghị quyết, kế hoạch, đặc biệt phát động phong trào thi đua thực hiện Chương trình CĐS giai đoạn 2021-2025 trong toàn ngành.
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Tập trung phát triển hạ tầng, nền tảng số, Sở Y tế tích cực hoàn thiện xây dựng Đề án bệnh viện thông minh đối với 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang và Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh. Sau khi hoàn thiện, các bệnh viện thông minh hoạt động dựa trên quy trình tối ưu, tự động hóa trên môi trường CNTT - truyền thông. Cùng với đó, quan tâm đầu tư trang thiết bị, phát triển và ứng dụng các kỹ thuật mới vào chẩn đoán, điều trị. Hiện nay, các cơ sở y tế sử dụng hiệu quả mạng số liệu chuyên dùng; duy trì triển khai công việc trên phần mềm Vnptioffice, tỷ lệ sử dụng chữ ký số đạt cao; ứng dụng hiệu quả các phần mềm dự họp, tập huấn trực tuyến... Cùng với đó, triển khai thử nghiệm phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, đến nay, đã tạo lập dữ liệu cho gần 9.000 nhân khẩu, liên thông dữ liệu trên 1 triệu hồ sơ KCB của 17 cơ sở KCB toàn tỉnh và triển khai kết nối 114.000 đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia.
Ngành Y tế tích cực chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai, tích cực đôn đốc các đơn vị nâng cấp hệ thống phần mềm KCB (HIS), tăng cường sử dụng các tiện ích như: VneID, ví điện tử, tích hợp hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở KCB. Hiện nay, một số đơn vị như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đức Minh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang... đã kết nối với các Ngân hàng thương mại triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Ngành cũng chủ động bố trí các cán bộ, thường xuyên tổ chức tập huấn về CĐS, CNTT và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cán bộ làm công tác CNTT và chỉ đạo các đơn vị bố trí khoảng 1% phần thu từ nguồn dịch vụ KCB cho hoạt động này.
Sở Y tế phối hợp với tổ chức UNDP tặng thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh từ xa cho Trạm Y tế xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì). |
Người dân được cấp cứu, điều trị tại tuyến cơ sở
Thời gian qua, ngành Y tế chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phần mềm KCB, đặc biệt là hệ thống Telehealth trong tư vấn, hội chẩn KCB từ xa với các bệnh viện tuyến T.Ư. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh, trung bình, mỗi tháng có gần 50 bệnh nhân được hội chẩn với các bác sĩ tuyến T.Ư như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội. Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Đình Phẩm, Giám đốc bệnh viện cho biết: Nhờ ứng dụng hệ thống Telehealth trong tư vấn, hội chẩn KCB từ xa, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tại chỗ tăng lên rất nhiều, từ đầu năm đến nay, chưa đến 3% bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Định kỳ 3 lần/tuần, bệnh viện tổ chức hướng dẫn cho tuyến dưới khám, điều trị cho bệnh nhân. Hiện, bệnh viện triển khai được nhiều kỹ thuật cao như: Tán sỏi Laze ngược dòng, chụp CT - Scanner, lọc thận nhân tạo, nội soi can thiệp đường tiêu hóa… giúp bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất mà không mất nhiều thời gian, chi phí đi lại. Đây cũng là điều kiện giúp đơn vị nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe.
Sự phát triển về chuyên môn, kỹ thuật, tích cực ứng dụng KCB từ xa của Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh nói riêng và các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh nói chung đã tạo điều kiện cho người dân ở vùng sâu, xa được tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu, giảm tải cho tuyến trên, người bệnh yên tâm điều trị. Tích cực triển khai hoạt động này, Sở Y tế đang tăng cường phối hợp với Cục CNTT, Bộ Y tế triển khai tư vấn KCB từ xa tại tuyến y tế cơ sở cho 193 xã, phường, thị trấn bằng hệ thống “Bác sĩ cho mọi nhà”. Cùng với đó, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, duy trì hội chẩn từ xa thường quy giữa các đơn vị, tiến tới tổ chức hội chẩn cấp cứu.
CĐS đang mang lại những giá trị và cơ hội lớn cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, đối với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hà Giang, CĐS ngành Y tế còn gặp một số trở ngại về nguồn kinh phí, thiếu nhân lực, trình độ dân trí chưa đồng đều… Song, ngành Y tế tiếp tục nỗ lực, phối hợp nâng cấp hạ tầng số hóa, hoàn thiện ứng dụng phần mềm quản lý; tăng cường KCB từ xa, ưu tiên đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế; ứng dụng CNTT, thúc đẩy CĐS toàn diện.
(Nguồn: Báo Hà Giang; Bài, ảnh: Phạm Hoan)