Cùng với thời kỳ đổi mới, nhu cầu đọc sách không còn thuần túy, truyền thống mà dần thay đổi với nhiều loại hình, hình thức như: Đọc sách thông qua máy tính, điện thoại thông minh, sách nói… Đáp ứng xu hướng mới và duy trì văn hóa đọc cho người dân, các thư viện (TV) với việc là một môi trường văn hoá lành mạnh bảo đảm quyền hưởng thụ văn hoá và tạo môi trường lý tưởng để công dân tự học, tự giáo dục bản thân. Qua đó, Thư viện tỉnh đã từng bước đổi mới, bắt kịp xu thế, tạo hứng khởi cho độc giả với các phần mềm, ứng dụng hiện đại thông qua chương trình đọc sách trên nền tảng số, Ebook…
Người dân tìm và mượn tài liệu tại Thư viện huyện Bắc Mê. |
Thay đổi tạo sức hấp dẫn cho người đọc, TV ngày càng mở rộng với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ độc giả, góp phần kích thích nhu cầu đọc và nâng cao chất lượng học tập trong cộng đồng. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Bắt kịp xu hướng hiện đại và thị hiếu của bạn đọc, nhằm phục vụ nhu cầu bạn đọc được tốt hơn, TV tỉnh đã nỗ lực và ngày một đổi mới trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc; tăng cường giới thiệu sách trên các nền tảng mạng xã hội; phát triển và hoàn thiện phần mềm sách nói. Đặc biệt là đưa các phần mềm, công nghệ mới như Ebook để số hóa đưa các sách hay, sách nổi bật lên mạng giúp bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm và đọc; bố trí xe thư viện lưu động nhằm phục vụ bạn đọc ở vùng sâu, xa…Qua đó tạo sức hút và đón nhận sự ủng hộ, thu hút người dân quay lại với văn hóa đọc cũng như xây dựng lại hình ảnh TV trong cộng đồng”.
Đọc sách trên trang Thư viện tỉnh. |
Trải nghiệm các ứng dụng mới tại TV tỉnh, em Đặng Trí Hiếu, học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Em thường đến TV vào chiều thứ 6 và những ngày nghỉ, tại đây có nhiều sách, truyện bổ ích cùng với đó là không gian yên tĩnh, sạch sẽ; có nhiều loại hình đọc để em lựa chọn như: Lựa sách đọc trực tiếp; lên trang của TV để đọc thông qua máy tính… Đây là một trong những hoạt động được bố mẹ rất đồng tình, đồng thời em cũng rủ thêm các bạn đi cùng để chia sẻ”.
Bác Dương Việt Thành, tổ 5, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) chia sẻ: “Là một cán bộ nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn thường xuyên lên TV để tìm kiếm thông tin. Đối với tôi TV là một kho tư liệu rất hữu ích về các vấn đề cuộc sống, trên nhiều lĩnh vực như nông - lâm nghiệp, nghị quyết của Đảng và các văn bản, chỉ thị mới của Trung ương, địa phương. Đọc sách giúp tôi vừa có thể nghiền ngẫm, tra cứu kỹ lưỡng, đặc biệt các nội dung trong sách đã được kiểm định và qua quá trình nghiên cứu, từ đó giúp tôi có vốn sống và tiếp nhận được những kiến thức bổ ích”.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Minh Huệ, cán bộ phụ trách TV của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Bắc Mê chia sẻ: “Trụ sở, trang thiết bị hầu hết không đảm bảo, đến nay hầu như không được bổ sung mới, số lượng đầu sách, tài liệu hạn chế nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động phục vụ bạn đọc. Thời gian gần đây, số lượng sách bổ sung cho TV cắt giảm nên đầu sách không phong phú, vì vậy, số lượng bạn đọc cũng giảm đi nhiều. Những người tìm đến TV chủ yếu là học sinh, giáo viên và một số ít người cao tuổi, nhưng họ cũng chỉ mượn sách về chứ không ngồi đọc tại TV vì không có phòng đọc…”.
TV ngày càng mở rộng trong việc sử dụng các công nghệ hiện đại phục vụ cho học tập; là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập suốt đời để phát triển năng lực cá nhân và gắn kết với xã hội, thích nghi với những biến động, thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân cập nhật kiến thức mới, học tập suốt đời.
(Nguồn: Báo Hà Giang; Bài, ảnh: Chí Công)